Nói đến tiến trình Chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam, tôi nghĩ thôi khoan vội nói về những vấn đề “đao to búa lớn”, những tiến triển vượt bậc về công nghệ, hay kể cả những câu chuyện về tương lai sẽ thế này, thế nọ. Cần dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề rằng CON NGƯỜI đang là rào cản lớn nhất, thứ thực tiễn nhất, và cũng là “trên mặt đất” nhất, mà nếu không giải quyết cho rốt ráo, bài bản và có tính chiến lược, tiến trình Chuyển đổi số sẽ trở thành một “đoàn tàu cao tốc vô hướng và mất kiểm soát”.
Muốn “chuyển” thì trước hết phải có “cái để mà chuyển”. Khi mọi quy trình, tiến trình, tổ chức công việc còn lập chập, bộn bề và chưa đâu vào đâu thì mọi sự “chuyển” lấy gì mà chuyển? Nó rốt cuộc sẽ chỉ mang tính hình thức. Nhưng nói thế không đồng nghĩa với ta không tham gia vào tiến trình Chuyển đổi số được. Điều ta cần nhìn thấy là “không có” để mà “thiết kế kiến trúc” mới, đó chính là sự “chuyển”, chuyển từ không có sang có, để áp dụng công nghệ số và dữ liệu số một cách hiệu quả. Tuy nhiên, con người là “cái chốt” quyết định cuộc chơi này.
Trước hết, nếu CON NGƯỜI không có sự chuyển biến tư duy một cách phù hợp: 1) Chuyển từ tư duy tương tự (analog thinking) sang tư duy số (digital thinking); 2) Biết cách làm việc và phối hợp một cách hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng; 3) Biết học hỏi liên tục và coi trọng các nền tảng lý luận, phương pháp, lấy đó để mà thực hành hiệu quả chứ không phải hành động theo kinh nghiệm và sự duy ý chí; chúng ta không thể Chuyển đổi số. Thứ hai, nếu CON NGƯỜI không được đào tạo để có năng lực số một cách đầy đủ: 1) Biết cách tiếp cận công nghệ số và dữ liệu số hiệu quả; 2) Biết cách vận hành các hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu một cách hiệu quả; 3) Biết cách phát triển và hiệu chỉnh các hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu một cách có tính chiến lược; chúng ta cũng không thể làm cho Chuyển đổi số triển khai được. Thứ ba, nếu CON NGƯỜI không thay đổi những nền tảng văn hóa, để chuyển đổi tư duy và hành động phù hợp với một môi trường và xã hội số: 1) Không có nền tảng văn hóa số; 2) Không có năng lực kết nối số; 3) Không có khả năng hành động số một cách hiệu quả; tiến trình Chuyển đổi số sẽ không đưa đến hoặc khó có hiệu quả thực sự.
Nguồn: trích bài viết của Lê Nguyễn Trường Giang tại diễn đàn Chân trời mới – CSCI GROUP